Đối đãi với người bằng thiện lương có thể hóa nguy thành an

Tinh Hoa TV
Chuyện cát hung họa phúc trong thiên hạ, mỗi việc đều có nguyên do, không hề mảy may sai lệch. Chỉ có điều người trong cuộc đang mê nên khó biết được sự tình mà thôi…



Danh y tự kê “thuốc chết” cho chính mình


Thời nhà Thanh, có vị danh y họ Trương ở Gia Định, Thượng Hải. Một lần ông Trương cho nhầm thạch cao vào đơn thuốc khiến bệnh nhân tử vong. Sau khi biết chuyện ông rất hối hận nhưng không dám nói với ai, ngay cả với vợ con ông cũng không nói, người nhà bệnh nhân cũng không hay biết sự tình.

Một năm sau, thầy thuốc Trương mắc căn bệnh kỳ lạ mà ngay chính bản thân ông cũng không thể chữa khỏi. Ông bèn mời thầy thuốc họ Từ đến khám bệnh cho mình. Thầy Từ kê đơn xong, bèn ra về.

Sau khi cắt thuốc theo đơn, ông Trương bất giác viết thêm vào đó một lạng thạch cao. Học trò của ông có mặt ở đó liền khuyên rằng đừng nên cho thạch cao, nhưng ông dường như không nghe thấy.

Sáng hôm sau khi vừa uống thuốc xong, thầy thuốc Trương cầm đơn lên xem liền kinh sợ hỏi: “Một lạng thạch cao này là ai thêm vào thế?”.

Người học trò đáp: “Là sư phụ đích thân viết vào, sư phụ không nhớ sao?”.

Ông Trương giật mình nhớ lại chuyện trước đây, bèn nói: “Mau chuẩn bị hậu sự cho ta. Ta biết rõ đó là việc gì rồi”.

Nói rồi, ông liền viết một bài thơ:

Thạch cao thạch cao
Hai mệnh một dao
Lang băm sát nhân
Nhân quả khó thoát

Đến quá trưa thì thầy thuốc Trương bình thản từ trần.

Mã tú tài phá giải án mạng


Dưới đây là vụ án mạng xảy ra ở Thường Châu đời nhà Thanh. Hôm ấy, một cậu thiếu niên tên là Mã Sỹ Lân theo cha đến lầu bắc đọc sách. Cửa sổ lầu bắc đối diện với sân thượng nhà cụ Vương – một ông lão sống bằng nghề bán hoa cúc gần đó.

Một buổi sáng sớm trời vừa hửng nắng, Mã Sỹ Lân nhìn qua cửa sổ thấy cụ Vương leo lên sân thượng tưới hoa cúc. Lúc ấy có một người gánh hai thùng phân đi qua cũng muốn leo lên sân thượng giúp cụ tưới hoa. Cụ Vương không bằng lòng bèn từ chối, nhưng người đó ngang ngạnh vẫn nhất mực đòi lên, cả hai đụng nhau ở cầu thang khiến người còn lại không thể tiến tiếp được.

Lúc ấy mặt sân thượng vẫn còn ướt sương đêm, mà lối cầu thang đi lên sân thượng vừa dốc lại vừa hẹp. Cụ Vương ở phía trên dùng tay đẩy người gánh phân, người gánh phân lỡ chân trượt ngã xuống nằm vật ra nền đất, hai thùng phân đè lên ngực, chảy lênh láng. Cụ Vương kinh sợ muốn dìu anh ta dậy thì phát hiện anh ta đã tắt thở rồi.

Cụ Vương lẳng lặng không nói năng gì, vội vàng kéo chân người gánh phân ra khỏi cổng sau, bỏ lại bên bờ sông rồi quay về, đem hai thùng phân để bên cạnh xác. Sau đó cụ về nhà đóng kín các cửa.

Mã Sỹ Lân chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng cậu không dám nói ra nửa lời, cứ giấu kín bí mật ấy trong lòng.

Có người phát hiện ra thi thể bên bờ sông liền đi báo quan. Vụ án được tri huyện Vũ Tiến đích thân điều tra. Khi sai nha khám nghiệm tử thi thì không thấy có vết thương, điều tra người dân lân cận cũng không có ai biết sự tình. Cuối cùng quan tri huyện kết luận nạn nhân lỡ chân tự ngã chết, và kết thúc vụ án. 

9 năm sau, Mã Sỹ Lân cũng vừa tròn 21 tuổi. Cậu thi đỗ tú tài, trở thành thư sinh vào học trường quan. Cậu vẫn thường tới lầu bắc để dạy kinh thư cho các học trò. 

Hôm ấy Mã tú tài dậy sớm ôn tập kinh điển Nho gia, khi mở cửa sổ cậu bỗng thấy một người gánh hai thùng phân từ đằng xa chậm rãi đi trên đường.

Thì ra đó là người gánh phân xấu số 9 năm về trước. Mã tú tài kinh sợ cho rằng ông ta đến tìm cụ Vương báo thù, nhưng người đó lại đi ngang qua cổng nhà cụ Vương rồi tiến vào nhà phú hộ họ Lý cách đó hơn chục bước chân. Mã tú tài hiếu kỳ bèn đến xem xét sự tình.

Tới cổng nhà họ Lý, Mã tú tài nghe thấy một người hầu tới nói rằng nương tử sắp sinh, cần mau mau đi tìm bà đỡ. Mã tú tài hỏi: “Anh có thấy người gánh phân vừa vào đây không?”.

Anh ta không vui chỉ trả lời cộc lốc rồi lại chạy vào nhà. Lúc này bên trong có tiếng vọng ra: “Nương tử sinh rồi, một bé trai”.

Mã tú tài trong lòng thắc mắc: “Người gánh phân này sao lại sinh vào nhà phú hộ Lý?”. Thế là từ đó Mã tú tài để tâm quan sát tiểu thiếu gia của nhà họ Lý.

Lại 7 năm trôi qua, Lý thiếu gia đã lớn, cậu có sở thích đặc biệt là nuôi chim nuôi thú. Lúc đó cụ Vương đã ngoài 80, nhưng vẫn chăm chỉ tưới hoa cúc hàng ngày.

Một hôm Mã tú tài lại dậy sớm mở cửa sổ, nhìn thấy cụ Vương đang tưới hoa cúc ở sân thượng. Mười mấy con chim bồ câu của tiểu thiếu gia họ Lý bay đến đậu trên lan can sân thượng nhà cụ Vương. Cậu bé sợ chim bay xa liền lớn tiếng gọi nhưng lũ bồ câu chẳng phản ứng gì, cậu bé sốt ruột liền tìm hòn đá ném chim.

Không ngờ hòn đá ném trúng cụ Vương, khiến cụ giật mình lỡ chân trượt xuống dốc sân thượng. 

Thấy cụ già nằm rất lâu mà không dậy, hai chân duỗi thẳng, đứa trẻ sợ quá không dám nói năng gì, chỉ lẳng lặng đóng hết cửa nhà lại. Khi mặt trời lên cao, thân nhân phát hiện ra cụ Vương đã chết, ai cũng khóc lóc mãi không thôi…

Mã tú tài kể lại câu chuyện ly kỳ mà đích thân ông chứng kiến, sau lại được Lưu Thằng Am tướng công chép lại. Lưu Thằng Am nói: “Chuyện hung cát họa phúc trong thiên hạ, mỗi việc đều có nguyên nhân, không hề mảy may sai lệch. Nhưng đương sự vì mê mà không biết, may có người ở bên là Mã tú tài quan sát, nên đã phá giải cái mê này”.

Kiếp nạn khó thoát, làm thế nào hóa nguy thành an?


Cuối triều Minh có vị thương nhân rất thành kính Phật Pháp tên là Trình Bá Lân. Thân nhân gia quyến của ông Trình đều cư trú ở Dương Châu. Mùa hạ năm Ất Dậu (năm 1645), quân Thanh đánh phá thành Dương Châu, xảy ra nạn thảm sát lớn.

Hay tin Trình Bá Lân liền cầu cứu Bồ Tát Quán Âm. Đêm hôm đó ông mộng thấy Bồ Tát Quán Âm đến nói rằng: “Nhà ông có 17 người, trong đó chỉ riêng ông là ở trong kiếp nạn”.

Trình Bá Lân tỉnh dậy, cảnh tượng trong mộng vẫn rõ mồn một. Ông Trình thành kính thỉnh cầu Bồ Tát bảo hộ. Đêm đó Bồ Tát lại hiện ra trong giấc mộng và nói: “Đời trước ông đã giết hại một người tên là Vương Ma Tử, chém người đó 26 nhát dao. Bây giờ ông phải hoàn trả, không thể trốn tránh được”.

Bồ Tát Quán Âm nói tiếp: “Ta khuyên ông hãy căn dặn 16 người trong nhà rằng tất cả phải ở nhà chái đông, chỉ một mình ông là ở nhà chính chờ đợi, như thế mới không liên lụy đến người nhà”.

Trình Bá Lân nghe theo, ghi nhớ kỹ lời Bồ Tát trong tâm.

5 ngày sau có tên lính nhà Thanh từ phương bắc cưỡi ngựa tới. Trình Bá Lân hỏi: “Ông là Vương Ma Tử phải không? Nếu đúng thì mời vào chém tôi 26 nhát dao. Nếu không đúng thì ông hãy tiếp tục lên đường, giữa chúng ta không có ân oán gì”.

Tên lính ngoài cổng nói: “Ta chính là Vương Ma Tử đây”. Ông Trình bèn mở cổng, người đó thấy vậy vô cùng kinh ngạc: “Sao ông biết tên ta?”.

Trình Bá Lân đem chuyện Bồ Tát thác mộng kể lại. Nghe xong Vương Ma Tử nói với Trình Bá Lân rằng, ông hãy bịt mắt lại. Trình Bá Lân thản nhiên dùng vải bịt mắt rồi quỳ xuống đất, lưng quay về hướng tên lính. Vương Ma Tử liền vung dao chém vào lưng 26 nhát.

Nhưng Vương Ma Tử không dùng lưỡi dao mà dùng sống dao. Chém xong, Vương Ma Tử nói: “Nếu đời này tôi chém ông 26 nhát thì đời sau ông lại đến tìm tôi báo thù. Oan oan tương báo đến khi nào mới hết. Hôm nay tôi đập ông 26 nhát, coi như ông đã trả nợ tôi rồi, từ nay chúng ta không ai nợ ai nữa”.

Ân oán của hai người đã giải hết, cả nhà họ Trình cũng qua kiếp nạn rồi cùng nhau chuyển đến Kim Lăng.

Mới hay, trên đời có vay ắt có trả, nợ sao đền vậy. Số mệnh thế gian dẫu là sướng vui hay khổ ải thì đều có nguyên do, “nhân quả báo ứng” đâu phải phải là chuyện hư giả. Kiếp nạn trong số mệnh đều đã được an bài, vậy thì chỉ có thể hóa giải tất cả bằng thiện niệm. Oan oan tương đấu bao giờ mới dứt? Đối đãi với người khác bằng tấm lòng thiện lương, chân thành và nhẫn nại thì chính là cởi bỏ nút thắt nhân quả của nhiều kiếp nhiều đời, để cả ta và người đều có thể trải qua những tháng năm hạnh phúc, bình an sau này. 

Tài liệu tham khảo:
  • “Tử bất ngữ” – Viên Mai
  • “Kiến văn lục” – Ngẫu Ích đại sư

Kiến Thiện
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

0/Post a Comment/Comments

Mới hơn Cũ hơn
× +