Có thật là giữa vũ trụ bao la này, Trái Đất là nơi duy nhất tồn tại sự sống hay không? Hay những người ngoài hành tinh hoàn toàn có khả năng tồn tại?
"Đêm khuya, trời tối đen như mực. Bạn, vì một lý do nào đó, đang trở về nhà trên một con đường tối tăm, tĩnh lặng đến đáng sợ. Trong thâm tâm bạn hiểu rằng, màn đêm xung quanh mình chính là không gian lý tưởng cho những vụ cướp giật, bắt cóc, thậm chí là cả những vụ án mạng. Bởi vậy, mỗi khi bạn nhìn thấy bóng người trên con đường ấy, tim bạn liền thắt lại.
Bạn không rõ người kia chỉ là một người bình thường có việc phải ra ngoài lúc nửa đêm, hay là một tên sát nhân điên rồ đang tìm kiếm nạn nhân giữa đêm vắng. Lựa chọn an toàn nhất cho bạn khi ấy, là ẩn mình trong màn đêm, tránh thu hút sự chú ý về phía mình, cố gắng trở về một cách lặng lẽ nhất có thể. Hoặc ít nhất là ẩn mình, cho đến khi ánh sáng mặt trời lên...".
Nói theo cách nào đó, thì vũ trụ bao la ngoài kia cũng hệt như khu rừng này vậy. |
Bối cảnh giả tưởng như trên lần đầu xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "The Killing Star" của hai tác giả Charles R. Pellegrino và George Zebrowski năm 1995. Cuốn sách này trình bày cho người đọc hai luận điểm chính. Thứ nhất, sự tồn vong của một loài sẽ được những cá thể trong loài ấy đặt lên cao hơn sự tồn vong của những giống loài khác.
Do đó, sự sống của loài người sẽ luôn được con người ưu tiên cao hơn bất cứ sinh vật nào khác ngoài vũ trụ bao la kia. Thứ hai là khi một nền văn minh phát triển đến mức có thể du hành vũ trụ, thì nền văn minh đấy cũng sẽ trở nên cảnh giác hơn với bất kỳ mối nguy hại tiềm ẩn nào ngoài vũ trụ bao la kia.
Và nếu chúng ta tin rằng hai luận điểm trên là đúng với loài người, cũng như với bất kỳ nền văn minh nào khác ngoài vũ trụ kia - thì nhiều khả năng người ngoài hành tinh cũng nghĩ như vậy về chúng ta. Nói cách khác, giống như bối cảnh giả tưởng mà chúng ta đặt ra ở đầu bài, lựa chọn khôn ngoan hơn có lẽ là ẩn mình khỏi sự phát hiện của những kẻ khác - bởi khả năng xảy ra xung đột hoàn toàn có thể tồn tại.
Đó cũng có thể là lý do mà người ngoài hành tinh vẫn chưa hề đáp lại những tín hiệu mà con người gửi ra ngoài không gian.
Lựa chọn khôn ngoan có lẽ là ẩn mình khỏi sự phát hiện của những kẻ khác. |
Giả thuyết này một lần nữa được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Khu rừng đen tối" của Lưu Từ Hân (Phần thứ hai trong bộ sách "Chuyện xưa của Trái Đất" bao gồm Tam Thể, Khu rừng đen tối, và Tử Thần Vĩnh Sinh).
Trong cuốn sách này, thuyết "Khu rừng đen tối" được tác giả đề cập đến như một nỗ lực để trả lời cho nghịch lý Fermi, rằng tại sao chúng ta vẫn chưa tìm thấy người ngoài hành tinh trong khi về mặt số liệu, ngoài vũ trụ bao la có thể có ít nhất 10.000 nền văn minh khác nhau với khoảng 20 nền văn minh ở gần với loài người chúng ta.
Những con số nói trên đến từ phương trình của nhà thiên văn học Frank Drake vào năm 1961, ước đoán về số lượng nền văn minh có thể tồn tại ngoài vũ trụ, thông qua các biến số có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một nền văn minh.
Phương trình của Frank Drake. |
Trong phương trình Drake ở trên, N là số lượng nền văn minh trong ngân hà mà ta có thể liên lạc, R* là tỷ lệ bình quân các ngôi sao được hình thành mỗi năm trong thiên hà của chúng ta, fp là xác suất sao có hành tinh, ne là xác suất hành tinh trong hệ hành tinh có hỗ trợ sự sống, fl là xác suất sự sống phát triển trên một hành tinh có hỗ trợ sự sống, fi là xác suất để sự sống phát triển thành sinh vật thông minh, fc là xác suất một nền văn minh có công nghệ phát triển tới mức các dấu hiệu của họ có thể nhận thấy trong không gian, và L là khoảng thời gian một nền văn minh như vậy có thể phát các tín hiệu vào không gian.
Giả thuyết này là lý do nhiều người tin rằng chúng ta không nên chủ động tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. |
Quay lại với cuốn "Khu rừng đen tối", tác giả Lưu Từ Hân cho rằng: tất cả những sinh vật sống đều sở hữu bản năng sinh tồn rất lớn, trong khi chúng ta không có cách nào có thể biết được ý đồ của bất kỳ nền văn minh nào khác ngoài kia. Và vì không có cách nào đảm bảo chắc chắn rằng việc giao tiếp với nền văn minh nào khác ngoài vũ trụ sẽ diễn ra trong hòa bình, phương án an toàn nhất sẽ là ra tay tiêu diệt người ngoài hành tinh trước khi họ tấn công chúng ta.
Bên cạnh đó, những nền văn minh ngoài kia nếu kém phát triển hơn Trái Đất, họ cũng sẽ tìm cách giấu mình tránh bị con người phát hiện, bởi họ lo sợ con người có thể sẽ tấn công và tiêu diệt bọn họ.
"Bản thân vũ trụ chính là một khu rừng đen tối. Mọi nền văn minh đều là những gã thợ săn, cố gắng lặng lẽ tiến về phía trước tựa như những bòng ma. Thậm chí, họ còn phải cẩn thận chú ý tưng hơi thở của mình. Những gã thợ săn này luôn cẩn thận, vì trong khu rừng này đầy rẫy những kẻ khác giống như gã. Nếu gã phát hiện ra bất cứ ai - lựa chọn duy nhất của gã là nổ súng và tiêu diệt họ. [...] Bất cứ kẻ nào lộ diện trước đều sẽ bị tiêu diệt trong nháy mắt.
Đó chính là bức tranh toàn cảnh của nền văn minh vũ trụ. Cũng chính là lời giải thích cho nghịch lý Fermi" - Trích "Khu rừng đen tối", Lưu Từ Hân (lược dịch).
Rất nhiều nhà khoa học phản đối việc tùy ý phát những tín hiệu về con người ra ngoài không gian. |
Luận điểm này nhận dược sự ủng hộ của nhà cố vấn NASA David Brin khi giải thích về sự tĩnh lặng ngoài vũ trụ bao la. Bất cứ một nền văn minh nào khi phát hiện và sử dụng sóng radio đều đã tự đặt mình vào thế nguy hiểm và có thể bị tiêu diệt bởi một nền văn minh phát triển hơn.
Nói đến đây, ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ rằng: thế thì con người chúng ta cũng đang gặp nguy hiểm, khi đã phát ra rất nhiều tín hiệu radio ra ngoài không gian trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất? Cũng có thể đấy chứ?
David Brin không phải là người duy nhất cho rằng viễn cảnh có phần "tăm tối" nói trên là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc sinh thời, Stephen Hawking cùng hàng loạt nhà khoa học khác cũng lên tiếng cảnh báo về việc tùy ý phát tín hiệu tìm kiếm người ngoài hành tinh trong không gian.
Bấy giờ, trên các diễn đàn nổ ra rất nhiều cuộc tranh cãi về việc "nên hay không nên tùy tiện gửi đi những tín hiệu ra ngoài không gian", từ đó cho phép các nền văn minh ngoài vũ trụ có thể định vị được vị trí của loài người. Nếu điều đó ảnh hưởng đến tồn vong của toàn nhân loại, liệu ai có quyền thay mặt Trái đất đưa ra quyết định đó?
Nhưng cuối cùng thì, giả thuyết này có lẽ cũng chỉ là một trong nhiều "thuyết âm mưu" trên mạng mà thôi. |
Đương nhiên, giả thuyết này vẫn còn tồn tại nhiều điểm gây tranh cãi. Thứ nhất là liệu có một nền văn minh nào có thể ẩn mình trong một thời gian dài mà không bị phát hiện? Hay nếu những người ngoài hành tinh thực sự hiếu chiến và tìm kiếm mục tiêu chinh phạt giữa vũ trụ bao la, hẳn là họ đã tấn công Trái đất sau khi chúng ta gửi quá nhiều tín hiệu ra ngoài không gian rồi - thế nhưng chẳng phải chúng ta vẫn đang bình yên vô sự đó sao? Hay như chuyện các nền văn minh ngoài vũ trụ hoàn toàn có thể liên minh với nhau để chống lại một kẻ thù chung, một mối hiểm họa khác, chứ đâu có nhất thiết phải tiêu diệt nhau?
Còn về phía Lưu Từ Hân, trong cuốn tiểu thuyết của mình, ông tin rằng khi sự tồn vong của cả một hành tinh được đặt lên bàn cân, cũng dễ hiểu nếu như những nền văn minh ngoài kia coi sự liên lạc liên hành tinh mang đến nguy cơ lớn hơn hẳn so với lợi ích, và đó là lý do mà họ chọn im lặng.
Cuối cùng thì thuyết "Khu rừng đen tối" cũng chỉ là một hướng suy nghĩ áp đặt những tư duy của xã hội con người vào những nền văn minh ngoài kia, và đó cũng chỉ là một giả thuyết mà chúng ta sẽ phải mất rất lâu nữa mới có thể kiểm chứng được đúng sai. Và rất có thể, chúng ta sẽ tìm thấy một nền văn minh nào đó ngoài vũ trụ tốt hơn, thân thiện hơn với chúng ta. Hoặc cũng có thể, chúng ta sẽ tự hủy diệt chính mình trong quá trình tìm kiếm ấy. Nhưng đó lại là một câu chuyện của tương lai xa xôi hơn rồi.
Theo Trithuctre
Đăng nhận xét