1. Vậy đạo là gì? Đạo theo nghĩa hán việt tức là "Đường", ý là chọn con đường đúng đắn để đi. Trên đời này vốn có hơn 3000 đại đạo và hằng vô số các tiểu đạo. Có thể ví dụ như sau:
- Đại đạo: Đạo phật, đạo mẫu, đạo nho, đạo giáo, đạo thiên chúa, đạo pháp (chuyên phép thuật), đạo dùng lửa, đạo dùng nước, không gian, thời gian, tốc độ...
- Tiểu đạo: Đạo hiếu, đạo ăn, đạo uống, đạo nhạc, quay bút, đi xe đạp, lái xe máy, lái ô tô... Tựu chung là các kỹ năng phát triển đến siêu phàm đều có thể gọi là đạo.
Phàm là cái gì mà được phát triển lên vô cùng vô tận đều gọi là đạo. Thế nào là vô cùng vô tận? Hãy xem xét "đạo hiếu". Chăm sóc, nuôi dưỡng, quan tâm, hỏi han, quà cáp, thờ cúng... với cha mẹ, ông bà, dòng tông tổ nghiệp đều là biểu hiện của đạo hiếu. Có bao nhiêu loại biểu hiện này? Càng nhiều các biểu hiện thể hiện được chữ "HIẾU" thì đạo hiếu càng mạnh. Người có thể phát triển đạo hiếu lên vô cùng vô tận có thể hiểu là người đứng đầu của "ĐẠO HIẾU".
Tuy nhiên đạo hiếu chỉ là 1 tiểu đạo nằm trong đại đạo là "ĐẠO ĐỨC". Đạo đức là đạo mà phát triển cái đức, đây chính là kim chỉ nam của ĐẠO PHẬT. Thế nên xưa nay những người đức độ người ta hay thêm chữ đức trước danh xưng như: Đức phật, đức di lặc, đức chúa, đức giáo hoàng...
Người xưa nói rằng: "Có đức mặc sức mà ăn". Tại sao không phải là "có phúc mặc sức mà ăn"? Bởi vì Đức thì tạo ra phúc, phúc xài mãi thì cũng hết. Nếu có chữ đức thì không thiếu chữ phúc. Vậy nên nếu giữ được nền tảng đạo đức thì gia tộc mới có thể hưng thịnh dài lâu.
Đạo này không phải là đạo nào khác mà chính là Đạo làm người. Đạo làm người này so với đạo sanh tử còn trọng yếu hơn nhiều. Có sanh tất có tử, cho dù là những bậc thánh hiền hào kiệt cũng không miễn được cái chết. Nhưng phân biệt thì chết có khi nặng như núi Thái Sơn, song cũng có lúc lại nhẹ tựa lông hồng. Buổi sáng được nghe Đạo, đến tối dẫu phải chết thì cũng có giá trị rồi.
Tất cả tinh hoa của mọi loại đạo trên đời này kết hợp lại thành 1 chữ "ĐẠO". Đạo là gì? Đạo là chân lý, và không ai có thể lật đổ được chân lý này. Chân lý là tuyệt đối chứ không phải là tương đối. Chân lý thì chỉ có một chứ không có hai. Đạo này là đạo chung cho tất cả những người tu hành chân thật. Và Đạo có thể giảng theo Nho giáo, có thể giảng theo Đạo giáo và lại càng có thể giảng theo Phật giáo.
Thượng đế đứng ở trên đỉnh của ĐẠO, là người hiểu hết mọi đạo lý trên thế gian này, là người nắm giữ chân lý, là đấng chí tôn tối cao, toàn tri, toàn năng, toàn giác. Thượng đế hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ cành cây, ngọn cỏ, viên sỏi, hòn đá, không gian, không khí, động vật, thực vật, vạn loài chúng sinh, đâu đâu cũng là thượng đế. Chúng ta cũng vậy, chúng ta chính là 1 phần của thượng đế, là con của người. Chúng ta khác các sinh vật khác, chúng ta là thượng đế nên chúng ta có đầy đủ quyền năng của thượng đế (người thời nay không biết, cũng không dùng các quyền năng này thôi)
2. Đời là gì? Đời chính là sự sống, là cuộc sống của chúng ta hiện tại.
Cuộc đời là một khái niệm trừu tượng, khó có định nghĩa cụ thể. Hiểu theo cách chiết tự ngôn ngữ thì "cuộc" là "sự việc có nhiều thành phần tham gia, diễn ra theo một quá trình nhất định" và "đời" là "một khoảng thời gian sống của một sinh vật". Theo quan điểm Phật giáo, mỗi cuộc có sự sống bị phân cách bởi "cái chết", tạm gọi là "một đời", và có ý niệm "đời đời, kiếp kiếp". Cuộc sống với những niềm vui ít ỏi và những nỗi khổ dài lâu mà chỉ có sự giải thoát mới có thể kết thúc.
Sinh, lão, bệnh, tử: Là 4 "giai đoạn" diễn biến trong cuộc đời con người, ảnh hưởng đến thể chất mọi người nói chung và suy nghĩ nói riêng.
Sinh: là sống, Lão: là già, Bệnh: là bệnh, Tử: là chết
Ý nghĩa cuộc đời: Có nhiều ý nghĩa trong cuộc đời của một con người (ở đây chủ yếu đề cập đến cuộc đời con người): hạnh phúc, đau khổ, ham muốn, suy tư, danh vọng... Bản chất của thế giới là hướng đến "cái biết". Cái biết diễn biến tương đối theo một tiến trình vô tận: qua một kiếp, một đời là qua bốn chặng sinh tử ở trên.
Cái biết ở đây là gì? Chữ “BIẾT” này nghĩa là hiểu rõ, sau khi hiểu rõ thì mới biết đạo lý làm người. Vậy biết chính là một phần của chân lý. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp sinh tử luân hồi, linh hồn của chúng ta ngày càng BIẾT nhiều, hiểu rộng, ngày càng tiến gần hơn đến chân lý (cha của mình).
Theo ngôn ngữ của các Light Worker hay đùa nhau là bạn đã sáng chưa? Sáng ở đây chính là BIẾT. Bạn càng biết nhiều (biết rõ đúng sai) bạn càng sáng. Sáng ở đây nó vừa theo nghĩa đen, cũng vừa theo nghĩa bóng.
- Bạn biết rằng con người chúng ta tối đa chỉ dùng được 9% bộ não, người bình thường thì chỉ dùng được từ 1-2%.
- Bạn cũng biết khi não chúng ta hoạt động thì năng lượng tiêu thụ đủ thắp sáng bóng đèn 21 Wats
- Bạn cũng biết luôn khi chụp cộng hưởng từ não sẽ thấy nó phát sáng. Não chúng ta hoạt động nhờ các xung điện dẫn truyền thần kinh.
Các sinh mệnh ánh sáng (Lightworker) là những người sớm được kích hoạt các chuỗi ADN để tiến hóa đến mức có thể dùng được 100% não, vì vậy họ sáng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi não được khai mở thì tri thức của họ dần được tăng lên. Bạn thử tính xem (100/9)*21 W = 233 Wats điện khi não hoạt động hết công suất, vậy là sáng quắc luôn.
Hình như có điều gì đó bất hợp lý ở đây? Tiêu tốn nhiều năng lượng như vậy thì nguồn nào cung cấp cho đủ. Các bạn cũng khỏi lo đi vì người tu luân xa của họ sẽ mở dần, đây chính là các trung tâm năng lượng trên thân thể người kết nối với năng lượng vũ trụ. Khi các luân xa đã khai mở thì người tu có thể tận dụng năng lượng này để phục vụ các hoạt động thiết yếu của thân thể thay vì sử dụng năng lượng gốc.
-------------
Sống làm sao cho cuộc đời trở nên đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu hiểu biết thì đó là Ðời Ðạo. Còn như chạy theo Ðạo mà quan niệm hẹp hòi, bảo thủ cố chấp, không khoan dung độ lượng thì đó là Ðạo Ðời. Sự sống theo Đạo là đi ngược lại sự sống theo Đời, Đạo thì buông xả ra, Đời thì ôm lấy vào, cho nên các bạn đừng tưởng cuộc sống Đời và cuộc sống Đạo giống nhau.
Có người sống cả đời chỉ để làm một việc lợi ích thôi, như Lão tử, đến và đi không tung tích, để lại độc nhất một quyển Ðạo Ðức Kinh giá trị vô cùng, há không phải là một đại thiền sư hay sao?
Hôm nay, chúng ta sẽ nói chuyện đời, vì đời và đạo là hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có.
Vấn đề lớn của thế giới là các quý vị tu sĩ các tôn giáo luôn tách rời đạo khỏi đời, và cho rằng đạo cao hơn đời. Đây chỉ là hệ cấp chẳng khác gì hệ cấp công ty, hay nhà nước, hay đảng phái. Mọi tổ chức loài người đều có hệ cấp chằng chịt và luật lệ cũng như giáo điều rậm rạp để bảo tồn hệ cấp. Đó là chuyện tự nhiên mọi nơi mọi chốn, mọi tổ chức.
Các bạn đã biết, đạo là đời, đời là đạo. Và chẳng có hệ cấp, vì mọi người đều là Phật đang thành, mọi người đều là con Thượng đế.
Đạo là đường đi. Đường đi trong đời sống, trong cuộc sống của mình. Nếu bạn muốn lên núi đi tu thì làm vậy, nhưng đừng cho rằng điều đó làm bạn thanh cao hơn mọi người. Cuộc đời này là bể khổ cho nhiều anh chị em của chúng ta, nếu ta có trí tuệ, thì hãy ở cùng anh chị em để tìm cách giúp anh chị em thoát khổ, hay ít nhất là bớt khổ.
Sống trong cuộc đời, chịu thử thách như mọi người, phải chiến đấu để sống còn như mọi người, trong lúc cố gắng giữ trái tim tinh khiết, giữ vững tình yêu trong lòng, và giúp các anh chị em khác đi đường mình (“đường” là “đạo” chữ Hán Việt), thì đó mới là đường thật, đạo thật.
Điều này quan trọng để các bạn hiểu, vì khi nói đến trái tim tinh khiết và yêu mọi người, rất nhiều bạn có khái niệm sai lầm rằng đó là những điều chỉ để nói trong các đền thờ cho các nhà tu. Nhưng thực sự đó là điều chúng ta cần thực hành để sống có trí tuệ trong đời này.
Lịch sử nước ta chẳng mở đầu bằng “một mẹ trăm con” chỉ để kể truyện cổ tích cho các bé. Chúng ta đã chẳng tự nhiên mà nói mình là “con rồng cháu tiên” để nhắc lại câu truyện một mẹ trăm con hầu như hàng ngày cả bao ngàn năm nay. Chúng ta không có từ tương đương với I và You hay Nị và Ngộ để gọi nhau; chúng ta gọi nhau là ông, bà, cô, dì, chú, bác, dượng, anh, chị, em, con, cháu… Ông bà ta đã dạy như thế, chẳng khác nào Phật dạy từ tâm với tất cả mọi người và Chúa dạy yêu tất cả mọi người. Yêu mọi người và ứng xử với mọi người như anh em con cháu một nhà, thì mỗi người sẽ mạnh mẽ, tiến triển và an lạc, và đất nước sẽ hùng mạnh và hòa bình. Sức mạnh của chúng ta, mỗi người và cả nước, đến từ sự thật nước ta là một gia đình.
Mọi người là người trong nhà thì thường là có hệ cấp mà cũng không, vì khi yêu nhau thì chú với cháu cũng như bạn thân, cháu với bà cũng như bạn thân, bố mẹ với con cũng là bạn thân để có thể tâm sự với nhau. Tình yêu, đặc biệt là tình yêu mạnh mẽ của những người trong gia đình, tự động xóa bỏ mọi hệ cấp giữa mọi người với nhau. Hoàng tử yêu cô nông dân đang nhổ mạ, thì chẳng còn hệ cấp vua tôi (dù bố mẹ chưa bằng lòng thì ít ra giữa hai người đã không còn hệ cấp). Không còn hệ cấp giữa chúng ta với nhau. Không còn hệ cấp và giữa chúng ta với Chúa - mọi người đều là con Chúa và là bạn của Chúa. Không có hệ cấp giữa chúng ta với Phật - chúng ta là Phật đang thành, tức là bạn đồng tu với Phật đã thành, Phật chỉ thành Phật trước chúng ta một lúc.
Tất cả những khái niệm về gắn bó, gia đình, yêu thương và bình đẳng này là đạo và là đời.
Chẳng có phân biệt nào giữa đạo và đời như người ta ngớ ngẩn với những hệ cấp quyền lực của các tôn giáo.
Đạo là:
Đói thì ăn no, mệt ngủ liền
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh tâm Không, hỏi chi Thiền.
(Cư trần lạc đạo Trúc Lâm thiền tổ Trần Nhân Tông)
Của đây là gì? Là trái tim tinh khiết và yêu thương ta ĐÃ có rồi. Chỉ nhìn nó lại để đi đường đời và cũng là đường đạo.
Các bạn, đừng quên chúng ta đã có thánh linh Chúa, có Phật tính, Thượng đế tính rồi. Chẳng phải làm gì để có. Chỉ cần mang trái tim ra dùng để sống đời/đạo mỗi ngày.
Và đó là con đường để mỗi chúng ta phát triển cũng như đất nước hùng cường.
Ở vào đời mạt pháp, quá nhiều người cố tình chia ra đời và đạo, và đời có nghĩa là tham sân si, trộm cướp, dối trá, lũng loạn... Các bạn, đó là cái dạy và cái học của con người ngu si thời mạt pháp.
Cách sống mạnh để mạnh mỗi người và mạnh đất nước là đời mà là đạo, đạo mà là đời.
Chúc các bạn sống đời vui đạo tùy duyên.
Theo: Khoahoctamlinh.vn
Đăng nhận xét